LỊCH SỬ HỌ ĐẠO ĐỨC MẸ LAVANG NEW ORLEANS
Họ đạo Đức Mẹ Lavang New Orleans là hiện thân của cộng đồng Công giáo Phục sinh hay là Cộng đồng thành phố New Orleans trước đây, một trong 5 cộng đồng họ đạo thuộc giáo xứ Maria Nữ Vương Việt Nam. Một cộng đồng bé nhỏ nhất về dân số Công Giáo nhưng lại là cộng đồng có lãnh thổ rộng nhất bao gồm các thành phố Kenner, Metaire, Chalmette và nội thành New Orleans.
Cộng đồng thành phố New Orleans được thành lập ngày 12 tháng 11 năm 1977 do sáng kiến của Đức Ông Mai Thanh Lương, giám đốc Trung Tâm Mục Vụ lúc ấy cùng với các vị thân hào nhân sĩ và các bạn trẻ. Trong thời gian này ông Nguyễn Văn Tuyền, Phan Đình Hải và anh Trần Huy Vân đã tích cực cộng tác giúp cộng đồng.
Đến năm 1978 Linh mục Nguyễn Ngọc Thanh được Đức Ông Mai Thanh Lương mời làm Tuyên úy cho Cộng đồng, tổ chức thánh lễ mỗi chúa nhật đầu tháng tại nhà nguyện Notre Dame hoặc thay phiên tại các tư gia. Thời gian này Ông Đoàn Minh Tâm đã nỗ lực cộng tác để giúp Cộng đồng nhưng gặp một số khó khăn nên Cộng đồng ngưng sinh hoạt.
Giáng sinh 1979 Đức Ông Mai Thanh Lương mời LM. Nguyễn Thanh Bằng làm Tuyên úy giúp cộng đồng tổ chức Thánh lễ các ngày Chúa nhật, nhưng lòng người cũng ngao ngán vì gặp một số trở ngại nên không bao lâu cũng ngừng sinh hoạt.
Giáng sinh 1981, một lần nữa Đức Ông Mai Thanh Lương kêu gọi đồng bào tham dự lễ Giáng Sinh, thấy phấn khởi, cộng đồng đề cử ông Nguyễn Hồng Hải và ông Nguyễn Văn Mai đại diện tổ chức sinh hoạt công giáo trở lại và Linh mục Ngô Duy Linh được Đức Ông Mai Thanh Lương mời giúp Cộng đồng một thời gian, sau đó ngài bận đi học và vì một số yếu tố khó khăn khác nên cộng đồng đã ngưng hoạt động một thời gian dài.
Đầu Xuân 1984, tại trụ sở Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam ở số 2546 Columbus đã có nhiều cuộc hội ý giữa LM. Nguyễn Đức Huyên và LM. Phạm Quang Thúy nhằm phục hồi lại các sinh hoạt của cộng đồng Công Giáo Thành phố. Sau đó Đức Ông Mai Thanh Lương đã ủy nhiệm LM. Nguyễn Đức Huyên phục hồi lại các sinh hoạt của cộng đồng. Buổi lễ Chúa Nhật đầu tiên với vỏn vẹn 28 người đã được cử hành tại trụ sở này. Nhờ sự cộng tác của quí vị thiện chí, các Thầy, các Sơ, anh chị em Thanh Sinh Công và các thân hữu trong cộng đồng số người tham dự lễ Chúa nhật càng đông hơn.
Trong buổi lễ Phục sinh năm đó, một buổi họp được triệu tập sau Thánh Lễ để thảo luận về một số điểm căn bản làm nền tảng cho Cộng Đồng trong đó có việc chọn danh hiệu cho Cộng Đồng. Mọi người đã đồng ý chọn danh hiệu cho Cộng Đồng là "Cộng Đồng Phục Sinh". Mọi người cũng đã quyết định từ nay trở đi các hoạt động của Cộng Đồng đều theo chiều hướng mục vụ cho người Công Giáo trong thành phố mà thôi. Cũng xin nhắc lại chữ "thành phố" mang một nghĩa rộng rãi gồm các gia đình Công giáo trong các thành phố Kenner, Metairie, Chalmette và Nội Thành New Orleans.
Trong thời gian phục hồi Cộng Đồng, mọi công việc và sinh hoạt trong Cộng Đồng đều do những người thiện chí đứng ra điều động và gánh vác cho tới ngày Chúa Nhật 10/3/1985. Hôm ấy một ban chấp hành lâm thời sau đây đã được các người thiện chí đề cử và bầu ra dưới sự chứng giám của Đức Ông Mai Thanh Lương, chánh xứ Maria Nữ Vương Việt Nam và Linh Mục Nguyễn Đức Huyên, tuyên úy cộng đồng:
Từ đó Tân ban đại diện đã bắt tay phát triển và củng cố Cộng Đồng đã nỗ lực mời người Công giáo VN trong lãnh thổ "thành phố" gia nhập là 252 người trong số 400 giáo dân sống rộng rãi rác trong khu vực "thành phố".
Nơi cử hành Thánh Lễ tại 2546 Columbus Street trở nên chật hẹp nên Linh Mục Tuyên Ý và Ban Chấp Hành đã quyết định thuê ngôi nhà St. Rose Center ở số 2509 Columbus để chỉnh trang lại làm nhà nguyện cho Cộng Đồng. Nơi này có thể dung nạp được khoảng 200 người tham dự thánh lễ.
Trên căn bản phát triển và xây dựng cùng để đáp ứng nhu cầu pháp lý theo Giáo luật, sau khi hội ý với toàn thể dân chúa trong Cộng Đồng, tất cả đã đồng ý đệ đơn xin Đức Tổng Giám Mục New Orleangs nâng Cộng Đồng lên thành họ đạo Công Giáo chính thức. Với sự hổ trợ của Đức Ông Mai Thanh Lương, Đức TGM New Orleans đã chấp thuận nguyện ước của Cộng đồng. Vì trong Tổng giáo phận New Orleans đã có một giáo xứ với danh xưng Giáo Xứ Phục Sinh (Resurrection of Our Lord Parish) nên Đức TGM đã đề nghị Họ đạo đổi thành tên khác để khỏi nhầm lẫn.
Ngày Chúa nhật 24/4/1988 toàn thể dân chúa trong họ đạo mới đã quyết định lấy danh xưng mới là Họ Đức Mẹ La Vang (Our Lady of Lavang Mission) để tưởng nhớ đến quê hương và ghi dấu Năm Thánh Mẫu cũng như để ghi ơn Đức Mẹ đã nâng đỡ đức tin con cái tỵ nạn Việt Nam.
Do đó kể từ nay Cộng đồng Phục Sinh thành phố New Orleans mang danh hiệu mới là Họ Đức Mẹ Lavang New Orleans do LM. Nguyễn Đức Huyên làm quản nhiệm được Đức TGM Philip M. Hannan chấp thuận ngày 27/4/1988.
Ngày 22/5/1988, nhằm ngày Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện xuống, Đức Ông Mai Thanh Lương chủ sự cùng với quí cha đã dâng lễ Tạ ơn cùng toàn thể dân chúa trong họ đạo để mừng Tân Họ Đạo.
Được trở thành họ đạo là một niềm vui khôn lường pha trộn nhiều lo âu vì họ đạo chưa có nơi xứng đáng và trang nghiêm để thờ phượng Chúa cùng cơ sở để giáo dục con em. Nỗi lo âu này được nêu ra trong các phiên họp của Ban chấp hành. Do đó, sau khi tham khảo với mọi người trong họ đạo, LM. Quản nhiệm và Ban chấp hành họ đạo, đã khai kiển chương trình gây quỹ mua nhà thờ bằng cách bán vé số. Nhưng vì sau một thời gian dài tiền bán vé chỉ đủ để chung cho các lô trúng. Họ đạo đã khấn hứa cùng Đức Mẹ Lavang xin Ngài cầu bầu cho có một ngôi thánh đường để thờ phượng Chúa. Họ đạo sẽ làm việc kính Ngài mỗi chiều Thứ bảy quanh năm và đặc biệt dâng kính Ngài ngôi Thánh đường đó.
Sau khi họ đạo khấn hứa cùng Đức Mẹ Lavang chỉ vài tháng sau, họ đạo có một ngân khoản khá lớn nên đã xin phép TGM để mua nhà thờ của người Tàu thuộc giáo phái Presbyterian trên đường Bienville. TGP cho phép mua sau khi đã gởi kiến trúc sư đến giám định. Hai năm sau đó, qua rất nhiều lần thương lượng giá cả cùng chủ nhân của khu vực nầy, rốt cuộc họ đã không chấp thuận để bán với giá cả họ đạo nêu ra.
Cuối tháng 10 năm 1990, họ đạo được giới thiệu khu vực hiện tại nguyên của giáo phái Lutheran bị nhà băng tịch thu năm 1985 và bị bỏ hoang từ năm 1986. nhà băng định bán với giá $700,000.00. Sau khi kiến trúc sư TGP đến giám định, TGP đã cho phép Họ đạo Lavang mua khu vực này với lời khuyên nên hủy bỏ tất cả các ngôi nhà và chỉ giữ lại ngôi Thánh đường vì các căn nhà chung quanh đã bị hư hại nhiều. Công việc thương lượng với nhà băng kéo dài khoảng một tháng, nhà băng đồng ý bán với giá rất thấp với điều kiện họ đạo phải trả bằng tiền mặt. Giá cả của khu vực nầy ít hơn ngân khoản dự trù mua nhà thờ nên họ đạo đã không mượn tiền TGP.
Ngày 14/12/1990 tại văn phòng luật sư TGP, LM Nguyễn Đức Huyên và anh Trần Đình Liệu, phó Ngoại vụ, đã ký giấy nhận cơ sở này từ nhà băng Southern Association.
Sau khi bỏ nhiều công lao tu chỉnh hội trường, Chúa Nhật ngày 12/5/1991, nhân ngày Hiền Mẫu, Thánh lễ đầu tiên đã được cử hành tại đây. Ngôi thánh đường lúc đó vẫn còn trống không và cần được trang bị đồ phụng tự và tu chỉnh.
Mười bốn tháng sau với nhiều công lao của dân Chúa trong họ đạo và nhờ nhiều lòng quảng đại của con cái Đức Mẹ muôn phương, vào ngày Thứ Bảy 1/8/1992, ngôi Thánh Đường được Thánh Hiến để dâng kính Đức Mẹ Lavang bởi ĐGM. Robert W. Muench thuộc TGP New Orleans. Ngài là người đã chấp nhận cho họ đạo Đức Mẹ Lavang mua khu vực này. Riêng đối với ĐGM. Muench là lần đầu tiên trong đời GM. Ngài được Thánh Hiến một nhà thờ nên ngài rất cảm động khi làm lễ ở đây.
Mười tháng sau, vào ngày 7 đến 9 tháng 5 năm 1993, Đại Hội Đức Mẹ Lavang New Orleans đầu tiên đã được tổ chức rất long trọng và trang nghiêm với rất đông người tham dự.
Cuối năm 2012 cha Cố LM Đaminh Nguyễn Đức Huyên về hưu bàn giao cho cha chánh Xứ Giáo Xứ Maria Nữ Vương Viêt Nam Cha Nguyễn Văn Nghiêm ngài và cử cha Giuse Trần Đình Thắng tiếp tục con đường của ngài, sau Đai Hôi Đức Mẹ La Vang 21 và 22 , Giáo xứ cử cha Giuse Nguyễn Văn Nguyên về tiếp tuc tổ chức Đai Hôi Đức Mẹ La Vang lần thứ 23, hiện tại cha quản nhiệm Đền Thánh Đức Mẹ La Vang do Cha Antôn Nguyễn Tiến Hiền đã tổ chức Đai Hôi Đức Mẹ La Vang lần thứ 24 năm 2016 và chuẩn bị tổ chức cho Đai Hôi Đức Mẹ La Vang lần thứ 25 vào tháng 5 năm 2017.
Đai Hôi Đức Mẹ La Vang tiếp tục hàng năm vào mỗi cuối tuần của ngày Hiền Mẫu (Mother’s Day weekend) đến năm nay năm 2017 là kỷ niệm 25 năm Đai Hôi Đức Mẹ La Vang
SỰ TÍCH ĐỨC MẸ LA VANG
Không có sử sách nào chép rõ ngày tháng Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn trong bài diễn thuyết về Đức Mẹ La Vang cũng khẳng định như sau :
"Sự tích về La Vang chúng tôi có biết được ít nhiều thì bởi truyền khẩu thư. Những điều truyền khẩu về Đức Mẹ La Vang thật hư thế nào mặc ai tự nghĩ. Chúng tôi chỉ luận chung rằng : Có tích mới dịch ra tuồng. Nay việc La Vang đã ra như một tuồng lớn lao thế này, lẽ nào mà là một việc vô tang tích ..."
Linh mục Stanislas Nguyễn Văn Ngọc (Tổng Đại Diện, Huế) đã nghiên cứu nhiều về tính cách lịch sử của các việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Trong sách Linh Địa La Vang (1970) ngài viết (trang 35-36) :
Theo những lời truyền miệng của các tiền nhân, thì cách đây gần 200 năm, một biến cố hãi hùng do cuộc cấm đạo hoặc do chiến tranh gây nên đã khiến một nhóm người Công Giáo ở gần đồn Dinh Cát (nay tỉnh Quảng Trị) thuộc mấy họ đạo như Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa v.v.... đã chạy vào phường La Vang (Lá Vằng) ở giữa rừng xanh núi hiểm. Trong lúc lánh nạn tại đây, ban đêm họ họp nhau cầu nguyện và lần chuổi. Bỗng nhiên họ thấy một bà đẹp đẽ mặc áo choàng hiện ra gần một cây đa đại thụ, mà họ nhận biết ngay là Đức Mẹ, vì có bồng Chúa Hài Đồng, hai bên có 2 thiên thần cầm đèn chầu. Đức Mẹ ngỏ lời an ủi họ và dạy bẻ lá quanh đó nấu uống sẽ được lành bệnh. Đức Mẹ còn hứa từ nay về sau ai đến khẩn cầu tại chốn này Đức Mẹ sẽ ban ơn phù hộ.Sau đó Đức Mẹ lại hiện đến với họ nhiều lần như vậy. Vản LaVang kể rằng :
"Trời sinh cái chốn lạ lùng.
Tự nhiên giữa núi nên Cung Chúa Bà.
Truyền rằng : có một cây đa.
Mọc trên núi nọ gọi là La Vang.
Ngày thị hạc phụng dạo chơi.
Đêm thì hổ báo chầu nơi linh hoàng.
Chốn nầy linh ứng nghiêm trang.
Hai bên khe ruộng giữa làng La Vang"
Nhiều người đặt việc Đức Mẹ hiện ra tại La Vang vào năm 1798, vì chính năm nầy Vua Cảnh Thịnh ra chỉ dụ bắt đạo toàn quốc. Hiện giờ hình như Giáo Quyền cũng tạm chấp nhận ngày tháng này để tổ chức kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.
Nguyễn Đệ trong bài viết Dưới Bóng La Vang đăng trong Dân Chúa Âu Châu số 1/1982 trang 38-39 :
Vào khoảng năm 1770, một số đông giáo dân di cư đến nơi đây, giữa chốn sơn cùng thủy tận, xa cách thành thị và thôn quê để tránh sự truy nã, giam cầm hay tàn sát. Họ trú ẩn trong các hang đá quạnh hiu, ẩm ướt, hay các góc rừng rậm hoang vu. Biết bao người lầm than rên rỉ vì thiếu cơn ăn áo mặc hay mắc bệnh mà không được săn sóc thuốc thang. Nhưng các gia đình vẫn một lòng tin tưởng ở Chúa và Đức mẹ Maria, và hàng ngày hội họp bên gốc một cây đa, một cổ thụ cành tỏa xanh um và bóng rợp ngất trời.
Lần đầu tiên trong khi các giáo hữu đương cùng nhau tha thiết cầu nguyện thì Đức Mẹ bất thần xuất hiện trong một ánh hào quang chói lọi, mặc Việt phục, vai khoác một chiếc áo quàng trắng toát, tay bồng Chúa Hài Đồng, phong thái uý nghi mà hiền hậu, giản dị mà trang nghiêm, lộng lẫy mà nhân từ ... Người đứng trên cỏ non, giữa đám đông, như một bà mẹ đến với đàn con yêu dấu. Người khuyên răn nên hết lòng tin tưởng và lần hạt Mân Côi, rồi hứa se che chở cho tai qua nạn khỏi.
Sau đó ít lâu, Người tới lần thứ hai với hai vị Thiên Thần, để chỉ dẫn nên lấy cành lá thoa bóp khi ốm đau, và dùng mọi thứ hoa quả cho đỡ đói lòng. Lạ thay, một khi nghe theo thì bệnh nhân đều bình phục, và già trẻ không còn thấy thiếu thốn, bơ vơ như trước. Ai cũng hiểu là Người đã truyền phép mầu vào đám cỏ cây ở rải rác chung quanh.
Lần thứ ba, Người có vẻ đăm chiêu và nhá8n nhủ : "Trong ngót 20 năm nữa, quê hương các con sẽ bị xâm lăng, nhưng nhờ có sự che chở của Thiên Mệnh, sẽ đuổi được quân thù, cứu nạn nước và tái lập nền thống nhất, khiến các con không e sợ như hiện thời. Rồi chừng 200 năm sau, lại có nạn khói lửa. Nhưng quốc gia cũng sẽ nắm phần thắng lợi, hậu thế sẽ sống trong cảnh thái bình, thịnh trị. Các con hãy nhớ hai điều : Giữ vững đức tin và chân thành lần Hạt Mân Côi trong lòng mến Chúa, thương dân..."
"Nghìn thu che chở giang san
Mây tuôn phép lạ,
Hoa tràn tình thương".
SỨ ĐIỆP LA VANG
"Các con hãy tin tưởng, cam lòng chịu khổ, Mẹ đã nhận lời các con cầu xin. Từ nay về sau ai đến cầu xin với Mẹ nơi đây, sẽ được Mẹ ban cho như ý sở nguyện"
NHỮNG NIÊN HIỆU VỀ LA VANG
1798 - Truyền khẩu nói rằng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng hiện ra nhiều lần để an ủi các giáo dân trốn chạy những cuộc bách hại của triều Tây Sơn vào trong rừng sâu Lá Vằng, thuộc địa hạt Dinh Cát, nay là Quảng Trị. Trong cuộc bách hại đạo năm 1798 có Cha thánh Triệu tử đạo tại Huế và Cha thánh Gioan Đạt tử đạo tại Thánh Hóa.
1801 - Sau khi Gia Long thống nhất, người bên lương cũng nghe biết có Bà Linh Thiêng hiện ra ở rừng Lá Vằng. Khi họ đi làm trong rừng thường ghé tới cây đa vái lạy và đắp một nền cao, có rào cây chung quanh.
1823 - Đầu đời Minh Mạng, 3 làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Ba Trừ chung nhau làm một cái miếu trên nền đất cao nơi cây đa chỗ Đức Mẹ hiện ra nhưng gặp nhiều dấu lạ (mộng mị, tượng bị lật đổ) họ đàng thôi và truyền tụng nhau rằng: Bà ấy là bà bên lương mà bên giáo đã dành đi đó". Ngày nay có người cho rằng dân bên lương gọi Bà Linh Thiêng đó là Phật Bà Quan Âm cứu đời.Bà làng đồng lòng nhường đất và chùa lại cho bên Công Giáo.Cha bổn sở ở Dinh Cát đồng ý cho người Công Giáo biến chùa thành nhà thờ.Đó là nhà thờ đầu tiên tại La Vang.
1830 - Một giai thoại kể rằng Đức Mẹ đã mua vải để trang hoàng bàn thờ (xem Ơn Lạ của Đức Mẹ La Vang)
1852 - Đức Cha Pellerin kêu gọi các cha hô hào cho giáo dân nhập Hội Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu. Tước hiệu này năm 1901, Đức Cha Gaspar đã chính thức tuyên bố là tước hiệu của Đức Mẹ La Vang.
1866 - Sau khi vua Tự Đức ký sắc lệnh tự do tôn giáo, Đức Cha Sohier coi địa phận Huế có chương trình mở rộng linh địa La Vang : xây chủng viện, tu viện Mến Thánh Giá, cô nhi viện, nhà dưỡng laão cho các cha. Chương trình không thành vì địa phương Cổ Vưu không cho đất. Tuy nhiên hằng năm vào Tết Nguyên Đán giáo dân các vùng Dinh Cát, Cổ Vưu, Thạch Hãn, Hạnh Hoa ... họp nhau vài ba chục người cầm dùi, giáo mác xua thú dữ để vào linh địa La Vang kính viếng.
1885 - Văn Thân nổi loạn ở triều đình Huế với khẩu hiệu Bình Tây Sát Tả, giáo dân Cổ Vưu vào trốn ở La Vang. Khi nhóm người đuổi theo thì họ trốn lên núi. Có 30 người bị bắt và được đặc ân và được đặc ân thiêu sống trên nền nhà thờ Đức Mẹ. Nhóm Văn Thân đốt hết các nhà của dân trừ ngôi nhà tranh nhỏ bé của Đức Mẹ. Sau đó có người tên Thơ ở Xóm Bốc xuống xem, thấy còn một nhà tranh cũng nổi lửa đốt luôn. Chiều hôm ấy nhà của người này bị Văn Thân đến đốt, cả nhà bị cháy hết.
1886 - Sau biến cố Văn Thân, linh địa La Vang trở nên nơi hành hương đông người, vì thế Đức Cha Gaspar quyết định làm lại nhà thờ. Đây là nhà thờ thứ hai tại La Vang.Nhà thờ làm trong 15 năm.
1901 - Khánh thành nhà thờ và tổ chức đại hội 6=8/8/1901. Chính thức công nhận tước hiệu Đức Mẹ La Vang là Đức Bà Phù Hộ các Giáo Hữu và chọn kiểu tượng Đức Mẹ chiến thắng: Đức Mẹ đứng trên đám mây và hai tay nâng Chúa Hài Đồng đứng trên qủa địa cầu. Định lệ cứ 3 năm kiệu Đức Mẹ La Vang từ Cổ Vưu vào La Vang ngày mùng 3 Tết Nguyên Đáng.
1923 - Đức Cha Lý (Allys) giao cho cha Morineau xây nhà thờ bằng ngói rộng lớn hơn. Thơ quyên tiền trên toàn quốc.
1928 - Khánh thành nhà thờ mới và đại hội với sự tham dự của nhiều Đức Cha và nhiều phái đoàn. Đây là đại hội có tính cách toàn quốc đầu tiên và số tham dự khoảng 30.000. La Vang chính thức thành một xứ và có cha sở đầu tiên, cha Thới, tách khỏi Cổ Vưu.
1932 - Trong đại hội này, Đức Cha Giáo (Chabanon) định rằng đại hội kéo dài trong 3 ngày và tổ chức tại linh địa La Vang.
1935 - Đại Hội.
1938 - Đại hội long trọng các ngày 17,18,19/8. Đặc biệt có sự hiện diện của Đức Khâm Sứ Drapier.
1946 - Trong thời gian 2 cuộc thế chiến, không có đại hội, nhưng các cuộc lễ vẫn được tổ chức như thường tại La Vang. Ngày 12/9/1946 Lễ Cầu An cho Tổ Quốc đã được cử hành tại La Vang, có sự hiện diện của Nam Phương Hoàng Hậu.
1945-1954 - La Vang dưới quyền kiểm soát của Việt Minh, mọi di chuyển bị hạn chế.Tượng Đức Mẹ La Vang được đưa ra Quảng Trị.
1953 - Nam Thánh Mẫu trên thế giới. Ngày 8/12/1953 Đức Cha Thi (Urutia) làm lễ trước tượng Đức Mẹ La Vang khai mạc chương trình thánh du tượng Đức Mẹ La Vang.
1954 - Rước kiệu Đức Mẹ La Vang trong các ngày 16, 17 và 18 tháng 5. Khi Việt Nam bị chia đôi (20/7/54), La Vang thuộc vùng tự do. Một số linh mục và giáo dân di cư đến La Vang và mở thành những xứ La Vang Thượng, La Vang Trung, la Vang Tả, La Vang Hữu. Ngày 6/12/1954 Rước tượng Đức Mẹ La vang từ Quảng Trị trở về linh địa và bế mạc năm Thánh Mẫu có Đức Cha Urritia, 40 linh mục và khoảng 20.000 giáo dân.
1955 - Trùng tu nhà thờ La Vang. Tháng 8/1955 đại hội lần thứ 13 được tổ chức với tuần tam nhật. Có 3 Đức Cha đến tham dự : Đức Cha Urritia, Đức Cha Chi, Đức Từ và 100 linh mục và 20.000 giáo dân.
1958 - Năm Thánh Mẫu kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Trong năm này có khoảng 600.000 tín hữu đến hành hương. Lần lượt các phái đoàn do các Đức Cha hướng dẫn : Đức Cha Hiền, Đức Cha Bình, Đức Cha Chi, phái đoàn Kontum. Tam Nhật đại hội 19-22/8.Đức Khâm Sứ Caprio đến chủ tọa ngày Công Giáo Tiến Hành 18/8.
18/3/1959 - Khởi sự trùng tu.
25/3/1960 - Rước Nến do ĐTC Gioan XXIII tặng. Nến này được làm phép trong dịp lễ nến 2/2 và được gửi đi đến các đền thánh để cầu nguyện cho Công Đồng Chung.
13/4/1961 - Các Giám Mục Miền nam họp tại Huế đã định chọn đền thờ Đức Mẹ La Vang làm "đền thờ toàn quốc dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ" theo lời khấn ngày 18/12/1960 trong lễ tạ ơn thành lập hàng giáo phẩm. Ngày 22/8/1961 quyết định trên đã được công bố.
8/8/1961 - Các Giám Mục Miền Nam họp tại Đàlạt quyết định:
Xin tòa thánh nâng đền thờ lên hàng Vương Cung Thánh Đường (Tòa thánh chấp thuận ngày 20/8/1961).
Xây dựng những cơ sở mới tại La Vang: Bàn thờ chính dâng hiến Giáo Hội và Tổ Quốc, các bàn thờ phụ dâng kính các Thánh Tử Đạo Nam, Trung, Bắc - công trường rộng lớn hơn - nhà trọ cho các tín hữu hành hương - tu viện gồm các linh mục chuyên lo chầu Mình Thánh Chúa tại La Vang.
Kêu gọi đóng góp để trùng tu và xây cất.
Năm Trái Tim Đức Mẹ kéo dài trong 3 năm, thực hiện 3 mệnh lệnh Fatima.
Chỉ định một ủy ban phụ trách Trung Tâm Hành Hương và Năm Trái Tim Đức Mẹ.
17 - 22/8/1961 - Đại Hội và xức dầu cung hiến đền thờ La Vang. Khánh thành Đài Đức Mẹ có 3 cây đa cổ thụ bằng xi-măng cốt sắt do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ làm.
1968 - Đền thờ La Vang bị pháo kích nặng do chiến cuộc.
1972 - Chiến cuộc Mùa Hè Đỏ lửa đã san bằng La Vang, ngoại trừ Đài Đức Mẹ còn nguyên. Các giáo dân di tản hết.
NHỮNG ĐẠI HỘI GẦN ĐÂY
1. ĐẠI HỘI 1961 VÀ LỄ XỨC DẦU ĐỀN THỜ LA VANG.
Ngày 1/6/1961 tòa Tồng Giám Mục Huế đã gửi hiệu triệu thư như sau:
Kính các cha, anh chị em tín hữu, Tôi vui mừng ban phép và truyền tổ chức Đại Hội kính Đức Mẹ La Vang 1961 từ ngày 17 đến ngày 22/8. Đồng thời ĐTGM đã ban phép cho ủy ban chuẩn bị cuộc đại hội được phép quyên tiền theo Giáo Luật để chi phí trong cuộc đại hội, thư của ủy ban đã được gửi đi khắp nơi trên toàn quốc.
Sau đó Nha Chiến Tranh Tâm Lý thuộc Bộ Quốc Phòng gởi đến La Vang số tiền của Đồng bào Hà Nội, Hải Phòng gởi nhờ chuyển giao với 2 bức điện tín như sau:
Sùng kính Thánh Mẫu La Vang, 5 đồng bào Hà Nội gởi qua Thụy Sĩ 475 đồng nhờ chuyển đến đại hội.
Với lòng tin cậy Đức Mẹ La Vang cứu thoát ách cọng sản bạo tàn, 15 đồng bào lao động Hải Phòng gởi qua Pháp 1200 đồng nhờ chuyển đến đại hội.
Đã từ lâu địa phận Huế chuẩn bị cho cuộc Đại Hội về mặt thiêng liêng như cầu nguyện, về mặt tinh thần như học tập về Đức Mẹ, về mặt vật chất như sắm sửa đồ đạc.
Đại Hội đã được tổ chức trong 6 ngày liên tiếp, mỗi ngày được dành riêng cho mỗi việc khác nhau: Ngày càc Bà Mẹ, Ngày các Bệnh Nhân, Ngày các Công Chức, Ngày Giáo Hội Thầm Lặng, Ngày Công Giáo Tiến Hành và Quân Đội và Ngày Cầu nguyện cho Tổ Quốc.
Đêm 21 tháng 8 có kiệu Thánh Thể bằng đèn với hơn 100.000 người tham dự. Ban sáng ngày 22/8 có tới hơn 300.000 người tham dự. Trong Đại Hội này có 3 vị Tổng Giám Mục, 10 Giám Mục, 300 Linh mục thuộc các địa phận : Huế, Kontum, Nhatrang, Long xuyên, Vĩnh long, Saigon, Qui Nhơn, Mỹ tho, Cần thơ, Đà Lạt, Phnom Penh và Ai Lao. 1000 tu sĩ nam nữ cùng với hơn 300.000 giáo dân và rất đông người lương.
Ngày 22/8/61 Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ, cũng là ngày bế mạc Đại Hội, ĐTGM Ngô Đình Thục đã cử hành lễ xức dầu thánh cho đền thờ La Vang, tức là ngày làm phép nha thờ long trọng theo giáo luật, để được nâng lên bậc Vương Cung Thánh Đường.
Líc 4 giờ chiều ngày 21/8 ĐTGM đến qùy nguyện tại linh đài Đức Mẹ trước 4 khảm xương Thánh Tử Đại, trong nghi lễ làm phép sẽ chôn vào trong huyệt đục sẳn trên 4 bàn thờ đá hoa 4 hộp bạc nhỏ, trong mỗi hộp có xương Thánh Tử Đạo. Đức Cha bắt đầu làm các nghi thức cung hiến đền thờ.
Lúc 4 giờ sáng ngày 22/8 ĐTGM Huế lại tiếp tục cử hành phần chính của việc cung hiến đền thờ là xức dần bàn thờ chính và 12 cột của đền thờ. Bốn bàn thờ được cung hiến do 4 ĐGM cùng xức một lượt.
2. ĐẠI HỘI 1961
Dù tình hình chính trị bất ổn tại Huế, vẫn theo thông lệ từ xưa, ĐTGM Nguyễn Kim Điền vẫn truyền tổ chức Đại Hội La Vang lần thứ 16 từ ngày 14 đến ngày 17/5/1964. Trong dịp Đại Hội này có 3 Đức Cha, Đan Viện Phụ Phước Lý, một số đông linh mục thuộc các địa phận Huế, Đà Nẳng, Saigòn, Đàlạt, Nhatrang, nhiều tu sĩ nam nữ và hơn 30.000 giáo dân từ các nơi về tham dự.
3. ĐẠI HỘI 1981
Đầu tháng 5 năm 1981, ĐTGM Huế có gửi cho giáo dân địa phận ngài một thư luân lưu thúc dục tôn sùng tháng Đức Mẹ và chuẩn bị tâm hồn trước 3 tháng cho Đại Hội Đức Mẹ La Vang theo truyền thống từ năm 1901, cứ 3 năm một lần. Năm 1978 vì hoàn cảnh không làm gì được bề ngoài.Năm nay cũng vì hoàn cảnh không làm chi được ngoài việc cầu nguyện dài hơn và sốt sắng hơn. Trước kia Đại Hội kéo dài 3 ngày và cả nước cuốn về có đến hàng trăm ngàn người. Ngày chính là ngày lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Đức Tổng Huế bị công an gọi ra chất vấn 4 lần :"Tại sao có chiến dịch lâu đến 4 tháng ?"
Đức Tổng trả lời :"Đây là việc nội bộ và thuần túy tôn giáo mà".
Công an bảo "Đây là lỗi với nghị quyết 297, mặc dầu chúng tôi biết ông không chấp nhận 297, nhưng vì đã là luật rồi thì mọi người phải tuân hành ..."
"Không có lỗi gì cả, vì chúng tôi không tổ chức cuộc này.Đó là thông lệ có gần 200 năm nay và chính thức đều đặn là từ năm 1901.Đồng bào tự động đi thôi.Ngày đó chúng tôi cũng đi.Nếu có nhu cầu tôn giáo thì chúng tôi phục vụ.Bằng không có thì thôi, chúng tôi đi về."
Không bắt lẽ được, thì công an xoay qua họp tất cả các linh mục Huế lại một ngày thuyết đủ mọi cách cho đừng hưởng ứng về La Vang. Nhưng tất cả các linh mục đều cương quyết không nghe. Họ lại họp các chức việc trong họ đạo ... Nhưng cũng không ai nghe theo. Gần đến ngày, công an họp giáo dân khuyên đủ đều, rồi hăm dọc sẽ phạt nặng nề nếu họ đi về La Vang.Bốn ngày trước lễ, từ khắp nơi dân chúng đổ về đất Mẹ càng ngày càng đông. Công an xét xe nghiêm ngặt, ai đi La Vang đều bị đuổi về. Nhưng ông bà già cả, người lớn trẻ con cứ kéo nhau đi, không đi được xe thì đi bộ từng đoàn, từng đoạn đường. Thanh niên thanh nữ thì đi xe đạp từ Huế ra La Vang cũng hơn 122 cây số. Sáng ngày lễ có hơn 10.000 người rước kiệu Thánh Thể và tham dự Thánh lễ.
"Phải vâng lời Thiên Chúa hơn". Mọi người thêm phần phấn khởi và cảm nghiệm thêm tình yêu cùng quyền phép của Đức Mẹ Chúa Trời ...
4. ĐẠI HỘI 1990
Trong 2 ngày 18-19/8/1990, Đại Hội Đức Mẹ La Vang đã diễn ra thật cảm động và sốt sắng với sự tham dự hơn 30.000 người dựa theo số người chịu lễ. Theo những người tham dự cho biết thì đông đảo tín hữu từ Bắc, Trung, Nam đã tham dự Đại Hội này. Có những người đi xe đạp từ Cần Thơ mất 45 ngày. Thánh lễ do cha sở chủ sự với sự hiện diện chủ tọa của Đức Cha Nguyễn Như Thể (không được phép chủ tế) và 42 linh mục đồng tế.
5. ĐẠI HỘI 1993
Thật là một phép lạ! Nha nước chính thức cho phép tổ chức Đại Hội và quân đội cung cấp nước uống với giá 40.000 đồng một thước khối, vì Đại Hội vào đúng thời gian nắng cháy, gió Nam lào thổi mạnh và nước khan hiếm.
Đại Hội lần 23 này ngoài sự tham dự của giáo phận địa phương, còn có các phái đoàn miền Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tỉnh; miền Nam như Saigòn, Xuân Lộc, Đàlạt, Gialai, Kontum, Đà Nẳng ...
6. ĐẠI HỘI 1996
Đại Hội lần thứ 24 được cử hành long trọng trong ba ngày từ 13 đên ngày 15/8/1996 với sự tham dự của Đức Hồng Y Hà Nội, ĐTGM Giám Quản Huế, các Đức Cha Thanh Hóa và Quy Nhơn, đông đảo các linh mục, tu sĩ năm nữ và con số giáo hữu đông đảo nhất từ năm 1995 đến nay. Đặc biệt trong ba ngày Đại Hội này, một cuộc lễ Tế Thánh Mẫu theo nghi thức cổ truyền Việt Nam trong ngày Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
Mọi người hân hoan chuẩn bị và chờ đợi ngày Đại Hội năm 1998, kỷ niệm 200 Đức Mẹ hiện ra tại La Vang dưới thời bắt đạo của vua Cảnh Thịnh năm 1798.
Chúng ta con cái của Mẹ La Vang đang bôn ba nơi hãi ngoại, hướng về Mẹ với tâm tình yêu thương chuẩn bị cho ngày trọng đại 1998:
Xin Mẹ hãy nghiêng mình xuống tận những vết thương đau khổ của chúng con.
Xin Mẹ hãy san sẻ những nỗi lo âu vất vả của chúng con.
Xin Mẹ hãy nâng đỡ Giáo Hội Việt Nam của chúng con.
Xin Mẹ hãy thi hành quyền phép và tình thương Mẹ trên quê hương chúng con.